Top

Cụm công nghiệp và dịch vụ Vitaco

Vị trí: , Lương Sơn, Hòa Bình

Là một dự án chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Thương mại Việt Nam, Cụm Sản xuất Công nghiệp và Dịch vụ Vitaco được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu của cụm công nghiệp gắn liền với vùng nguyên liệu tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

 

Bắt đầu được triển khai từ tháng 5/2006 và dự tính hoàn thành vào tháng 12/2008, dự án sẽ góp phần phát triển nghề chế biến gỗ truyền thống của địa phương, đồng thời hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Đặt trên diện tích 11,073 ha tại thôn Cố Thổ, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, dự án cách thị trấn Xuân Mai khoảng 3 km về phía Nam, cách trục đường Láng - Hòa Lạc 8km về phía Bắc, xung quanh là các khu dân cư trung tâm thị xã Xuân Mai, trường Đại học Lâm Nghiệp và các dự án lớn khác, địa điểm này tạo thuận lợi về giao thông cũng như thông tin mọi mặt cho các nhà đầu tư và các đối tác quan tâm đến dự án. Đồng thời, việc thi công dự án cũng gặp thuận lợi do khu vực này hoàn toàn là đất canh tác, không có công trình kiên cố. Dự án đã được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư số 25121000013 ngày 24/1/2007, do Vitaco làm chủ đầu tư. 



Cụm sản xuất Công nghiệp và Dịch vụ Vitaco gồm hai khu chức năng chính: 

 

  • Khu dịch vụ: Bao gồm Nhà hàng ăn uống, Nhà nghỉ chuyên gia và các công trình phục vụ văn hoá thể thao. Nhu cầu sử dụng đất là 1,5 ha.

  • Khu sản xuất công nghiệp với 2 nhà máy: Nhà máy sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và nội thất (nhà máy số 1) và Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu (nhà máy số 2)

 

Nhà máy sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và nội thất: Có công suất thiết kế 2.800 m3 gỗ xẻ/năm, Nhà máy ước tính sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 12.000 m3 sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ mỗi năm, tương đương 60% tổng sản phẩm, còn lại là đồ gỗ nội thất và xây dựng (788 m3 sản phẩm/năm). Nhu cầu về nguyên liệu gỗ của Nhà máy dự kiến là 233 m3 gỗ xẻ/tháng. Nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 1,5 ha.

 

 

Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu: Với công suất thiết kế 5.760 m3 gỗ xẻ/năm, Nhà máy này sẽ cung cấp 4.000 m3 sản phẩm ra thị trường mỗi năm, toàn bộ sản phẩm là đồ gỗ xuất khẩu. Dự kiến, nhu cầu về nguyên liệu gỗ hàng tháng là 480 m3 gỗ xẻ, diện tích đất xây dựng là 2,5 ha.

 

Theo tính toán, tổng mức đầu tư của dự án ở vào khoảng 79,6 tỷ đồng (vốn cố định là 68,4 tỷ đồng và vốn lưu động chiếm 11,2 tỷ đồng), trong đó Vitaco hiện đang cần huy động trên 50 tỷ đồng (chiếm hơn 63%) từ các đối tác và vốn vay. Cụ thể như sau:

 

  • 28,5 tỷ đồng là vốn điều lệ và huy động từ các cổ đông của công ty (35,8%).

  • 22,5 tỷ đồng từ liên doanh với đối tác nước ngoài hoặc trong nước (28,4%).

  • 28,5 tỷ đồng là vốn vay (vốn vay trong thời gian xây dựng và lãi vay: 35,8%).

Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối Quý 3 năm 2009 với tổng lợi nhuận dự kiến trung bình hàng năm đạt trên 7 tỷ đồng. Sau 9 năm 10 tháng hoạt động, dự án sẽ hoàn vốn đầu tư 100%, đồng thời trả nợ lãi vay và gốc vay trong thời gian xây dựng là 8 năm. Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư trực tiếp, do chủ đầu tư và liên doanh bỏ vốn, các đơn vị trực tiếp tham gia quản lý.  



Khi hai nhà máy số 1 và số 2 đi vào hoạt động và đạt 100% công suất thiết kế (6.000 m3), từ năm 2011, tổng doanh thu của dự án ước đạt hơn 86 tỷ đồng mỗi năm, trong đó Trung tâm Giới thiệu và kinh doanh sản phẩm dự kiến đạt 9 tỷ đồng /năm, Khu nhà hàng và dịch vụ đạt 3,5 tỷ đồng/năm. 



Vitaco sẽ thành lập một Công ty Cổ phần tại huyện Lương Sơn với số vốn điều lệ dự kiến là 30 tỷ đồng, là đơn vị trực tiếp đầu tư, quản lý, sản xuất và kinh doanh các nhà máy và khu dịch vụ của Dự án này.

 

Đến thời điểm đầu năm 2008, Vitaco quyết định phát hành thêm 5 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu nhằm huy động vốn đầu tư bổ sung vào dự án. Số vốn này sẽ được dùng để xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng với đầy đủ các trang thiết bị và cung cấp các dịch vụ kết hợp của các khu dân cư (như siêu thị, nhà để xe và các hệ thống phục vụ khác).